Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Ngựa vằn lập kỷ lục chuyến di cư dài nhất trên lục địa

Các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) cho biết, loài ngựa vằn tại khu vực miền nam châu Phi vừa lập kỷ lục chuyến di cư dài nhất trên lục địa với quãng đường lên đến 500km.

Ngựa vằn thực hiện chuyến di cư trên lục địa dài nhất từ trước đến nay trong thế giới động vật có vú
Các nhà nghiên cứu sử dụng thiết bị định vị GPS để theo dõi dấu tích di cư của tám loài ngựa vằn từ vùng đất Namibia đến Botswana trong vài tháng. Quãng đường di cư của chúng lên đến 500km tại khu vực bảo tồn thiên nhiên hoang dã Serengeti. Đây là chuyến di cư trên cạn lịch sử, dài nhất từ trước đến nay trong thế giới động vật có vú.
Ngoài ra, các nhà sinh vật học vô cùng ngạc nhiên trước xu hướng di cư của loài ngựa vằn, đi trên đường thẳng so với các loài khác có lộ trình quanh co. Đó cũng là lý do vì sao quãng đường di cư của ngựa vằn thường dài hơn so với các loài động vật có vú, động vật hoang dã như linh dương đầu bò, linh dương sừng cong, linh cẩu, voi…
Nghiên cứu còn đưa ra bằng chứng về các tác động tiêu cực của con người đến khu vực sống của các loài động vật hoang dã, như việc xây dựng đường biên giới, đường cao tốc, xe lửa... làm ảnh hưởng quá trình di cư tự nhiên. Điều đó dẫn đến những tác hại nghiêm trọng trong việc tìm kiếm thức ăn, nước uống, đe dọa sự sống còn của các loài động vật hoang dã trước tình trạng khí hậu thay đổi thất thường hiện nay

Hình ảnh cảm động: Rái cá chắp tay cầu nguyện


Nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ Emmanuel Keller đã ghi lại được hình ảnh vô cùng thú vị về một con rái cá khi đi thăm công viên động vật Bois du Petit Château, bởi trong tấm ảnh thì dường như chú rái cá đang chắp tay lim dim cầu nguyện.

Hành động giống như đang cầu nguyện của con rái cá.

Hình ảnh cảm động: Rái cá chắp tay cầu nguyện
Chú rái cá thông minh.

"Tôi đã chụp bức ảnh này khi con rái cá đang chờ thức ăn. Chúng rất vui mừng khi thấy thức ăn và tôi nhận thấy một con rái cá có hành động như đang thì thầm cầu nguyện" - Keller cho biết.
"Tôi đã cười rất nhiều khi nhìn lại hình ảnh đó. Đầu của nó cúi xuống, hai tay chắp vào nhau. Rái cá là loài động vật dễ thương, thông minh".
Tuy nhiên, hoàn toàn có thể chỉ vì con rái cá trên đã quá đói và nó đang mong các nhân viên của công viên đẩy nhanh quá trình cho ăn.

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Loài bò sát lạ giống giun, rắn và rùa


Ngoại hình của loài bò sát này là sự kết hợp đặc trưng giữa 3 loài: rắn, giun và rùa.
Nếu không được biết từ trước, có lẽ nhiều người sẽ nhầm lẫn thằn lằn chuột trũi Mexico là một con vật đột biến lai tạp giữa giun, rắn và... rùa.
Loài bò sát lạ giống giun, rắn và rùa
Thằn lằn chuột trũi Mexico
Với chiếc đầu giống loài rắn, hai chân trước ngắn và có móng vuốt giống loài rùa, phần thân có nhiều đốt giống loài giun, ngoại hình của thằn lằn chuột trũi Mexico thực sự khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi. Ngoại hình kỳ dị của loài động vật này khiến hầu hết nhiều người đều liên tưởng tới một con vật quái dị có phần đầu là rùa, còn thân sau là rắn lai giun.
Được biết, loài động vật này không thực sự là thằn lằn nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với loài rắn. Nó còn được biết đến với cái tên thông dụng khác là thằn lằn sâu 5 ngón.
Loài bò sát lạ giống giun, rắn và rùa
Còn có tên gọi khác là thằn lằn sâu 5 ngón
Đây là một loài thuộc họ thằn lằn giun sinh sống chủ yếu ở khu vực Baja California, Mexico. Sở dĩ loài động vật này thường dành phần lớn thời gian để đào hang giống như loài chuột trũi nên chúng đã được đặt tên là thằn lằn chuột trũi.
Hiện nay, thằn lằn chuột trũi Mexico được biết đến là một trong hai loài bò sát chỉ có hai chi trên chưa tuyệt chủng còn sót lại trên thế giới.

Loài vật lười biếng nhất thế giới


Trong thế giới loài vật, loài lười với cái tên biểu thị tính cách được cho là lười biếng nhất. Nhưng trong loài lười, thì có một loài được coi là "vua lười". "Vua lười" Bradypus tridactylus phân bố ở Trung và Nam Mỹ trong những rừng cây và dọc bờ sông, nơi có cây Cecropia lyratiloba sinh sống.
Sở dĩ loài Bradypus tridactylus, được coi là loài là loài thú lười biếng nhất thế giới, bởi ít có con thú nào di chuyển chậm chạp như nó. Loài rùa, vốn nổi tiếng chậm chạp, còn thua xa về độ lười biếng so với con Bradypus tridactylus. Các nhà khoa học đã đo tốc độ của con Bradypus tridactylus và nhận thấy mỗi ngày, con vật to tướng này chỉ di chuyển trung bình 28 mét.
Món ăn ưa thích của Bradypus tridactylus là lá cây, cành non loại cây Cecropia lyratiloba. Do thị giác và thính giác của chúng rất kém, nên chúng chả khác nào bị mù. Chúng tìm thức ăn theo kiểu người mù, đó là ngửi và sờ mó. Thậm chí, chúng lười đến nỗi không chịu đưa tay kéo chiếc lá vào miệng, mà chỉ chén những chiếc lá non ở ngay miệng, với một tốc độ chậm kinh khủng.
Có lẽ bởi sự chậm chạp trong hành động, mà chúng tiêu tốn năng lượng cực ít. Phải mất 1 tháng, chúng mới tiêu hóa hết thức ăn có trong dạ dày. Có lẽ, cho lười biếng trong việc tìm kiếm thức ăn, nên cơ thể chúng tiêu hóa cạn kiệt, không lãng phí chút thức ăn nào kiếm được.
Loài vật lười biếng nhất thế giới
Loài lười Bradypus tridactylus có khả năng treo mình bất động trên cây nhiều giờ liền. Những loài thú ăn thịt không nhận ra chúng với tư thế bất động như xác chết. Vì chúng cực kỳ ít di chuyển, lại di chuyển cực chậm, nên vào mùa mưa, các loại tảo, rêu mốc mọc kín lông, khiến chúng biến thành màu xanh rêu. Lười đến mức mọc rêu trên người, thì quả thực không hổ danh "vua lười".
Loài Bradypus tridactylus có kiểu sinh hoạt cực kỳ lạ đời, ấy là quanh năm suốt tháng treo ngược thân thể lên cành cây. Lúc ăn, lúc ngủ, thậm chí khi đẻ cũng treo mình như võng, ngửa bụng lên trời. Phần lớn thời gian trong ngày của Bradypus tridactylus là ngủ treo mình trên cây. Chúng chỉ hoạt động kiếm ăn vào ban đêm.
Loài vật lười biếng nhất thế giới
Mặc dù chậm chạp, nhưng ít khi các loài thú khác tấn công được chúng, bởi chúng có bộ móng vuốt vô cùng sắc bén. Bình thường, bộ móng vuốt này giúp chúng treo mình trên cây, nhưng khi gặp nguy hiểm thì biến thành vũ khí. Chỉ một cú vả của "vua lười", thú ăn thịt toạc da, tóe máu.
Loài vật lười biếng nhất thế giới
Mặc dù phần lớn thời gian treo ngược trên cây, nhưng thi thoảng Bradypus tridactylus cũng xuống đất. Sở dĩ chúng xuống đất là để đi vệ sinh. Chúng tạo ra cái lỗ, rồi mỗi tuần đi vệ sinh 1 lần vào đó. Cái cách chúng xuống đất cũng cực kỳ hài hước. Chúng nằm ngửa hoặc nằm sấp, dùng móng vuốt bập vào đất để kéo lê cơ thể đến chỗ đi vệ sinh.
Loài vật lười biếng nhất thế giới
Mùa giao phối của Bradypus tridactylus vào tháng 3 và tháng 4. Con cái mang thai tới 180 ngày và chỉ sinh duy nhất 1 con. Lười con được mẹ sinh ra trong tư thế treo ngửa trên cây. Vừa ra đời, lười non đã biết bám vào lông lẹ và sống trên bụng mẹ. Sau 5 tuần tuổi, chúng đã có thể tự leo trèo. Chúng bú mẹ khoảng 1 tháng, thì được mẹ nhai mớm món lá cây. 6 tháng tuổi chúng tự kiếm ăn.

Lợn có bộ lông như cừu


Giống lợn có nguồn gốc ở Hungary thường dễ bị nhầm lẫn với cừu, vì có lớp lông dày và xù bao phủ khắp cơ thể.

Mangalitsa hay Mangalica là một giống lợn hiếm có nguồn gốc ở Hungary. Đặc điểm kỳ lạ của loài lợn này là lớp lông dày, dài, xù xì bao phủ khắp cơ thể như lông cừu.
Lợn có bộ lông như cừu
Lớp lông dày có thể có màu đen, đỏ, xám, nhưng phổ biến nhất là màu vàng hoe. Lincolnshire Curly Coat là một giống lợn từng được biết đến với đặc điểm gần như tương tự, tuy nhiên đã tuyệt chủng.
Lợn có bộ lông như cừu
Theo các nhà nghiên cứu, quá trình nhân giống lợn Mangalitsa bắt đầu từ những năm 1980.
Lợn có bộ lông như cừu
Lợn Mangalitsa không yêu cầu chế độ chăm sóc đặc biệt, thức ăn chủ yếu của chúng là lúa mì, ngô, lúa mạch, cỏ... Thịt lợn Mangalitsa được coi là một trong những loại thịt ngon nhất thế giới.
Lợn có bộ lông như cừu
Từ đầu thế kỷ 19 đến năm 1950, đây là giống lợn phổ biến nhất ở Hungary. Mỡ lợn được dùng để sản xuất xà phòng, nến, mỹ phẩm, thậm chí cả dầu nhờn công nghiệp.
Lợn có bộ lông như cừu
Nhu cầu sử dụng mỡ lợn giảm dần từ khoảng giữa thế kỷ 20. Giống lợn này dần được thay thế bằng các giống khác, nhiều thịt và ít béo hơn. Đến cuối những năm 1970, lợn Mangalitsa chỉ có thể được tìm thấy ở vườn thú và công viên tại Áo. Trong khi đó tại Hungary, số lượng lợn nái chỉ còn chưa đầy 200 con.
Lợn có bộ lông như cừu
Mangalica gần như tuyệt chủng vào giai đoạn những năm 1990, với chưa đầy 200 cá thể.
Lợn có bộ lông như cừu
Năm 1994, Tổ chức Nhân giống lợn Mangalica của Hungary được thành lập nhằm bảo vệ giống lợn kỳ lạ này. Ngày nay, có hơn 8.000 con lợn nái đang được nuôi tại đây, với số lượng sinh sản trung bình mỗi năm là 60.000 con. Theo các nhà nghiên cứu, điều này có thể giúp lợn Mangalica thoát khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Bảy cách làm mẹ vô cùng kỳ quặc của động vật


Mỗi sinh vật sinh ra trên thế giới này đều có mẹ. Nhưng cách làm mẹ của mỗi loài động vật lại không hoàn toàn giống nhau, thậm chí có những loài làm mẹ theo những cách rất kỳ quặc. Dưới đây là những cách làm mẹ lạ nhất trong tự nhiên.

Ảnh: Live Science
Gà mái coi việc làm mẹ hết sức nghiêm túc. Việc cung cấp canxi để hình thành vỏ trứng bảo vệ phôi gà con là một việc khá khó khăn với chúng, và nếu chúng không được cung cấp đủ canxi trong khẩu phần ăn, chúng sẵn sàng lấy canxi từ trong xương của mình ra hỗ trợ cho quá trình hình thành vỏ trứng.

Chim cu

Bảy cách làm mẹ vô cùng kỳ quặc của động vật
Ảnh: Live Science
Chim cu có một cách rất độc đáo để không phải mệt nhọc khi chăm sóc con non. Chim cu mẹ sẽ lén lút đẻ trứng vào tổ của một loài chim khác. Bằng cách này, chúng lừa được những con chim khác gánh hộ việc chăm con.
Trứng chim cu thường nở đầu tiên, và chim cu non lớn rất nhanh. Chúng đẩy những con non khác ra khỏi tổ và khiến chúng bị chết. Những con chim cu non từ đó có được sự chăm sóc toàn diện của chim bố mẹ nuôi, vậy nên chúng có nhiều cơ hội sống sót hơn.

Kiến hút máu

Bảy cách làm mẹ vô cùng kỳ quặc của động vật
Ảnh: Live Science
Loài kiến đang bị đe dọa Adetomyrma ở Madagascar có cách bộc lộ tình yêu với con non rất kỳ quái.
Khi kiến chúa đẻ ra ấu trùng kiến, nó và kiến thợ sẽ cắn một lỗ nhỏ trên mình ấu trùng kiến và hút huyết dịch từ đó (huyết dịch là một loại dịch tuần hoàn trong cơ thể ấu trùng kiến, giống như máu ở động vật có vú).
Các nhà khoa học vẫn chưa thể nói chính xác tại sao loài kiến này lại làm như vậy. Việc truyền dịch cho nhau là một hành vi xã hội của loài kiến, và có thể việc làm này là một minh họa có tính sơ khai của điều đó.
Những ấu trùng kiến không chết vì bị hút dịch, nhưng đây thực sự là một cách nuôi con quái dị.

Cá voi xám

Bảy cách làm mẹ vô cùng kỳ quặc của động vật
Ảnh: Live Science
Cá voi xám rất tận tụy với việc chăm sóc con non. Chúng vượt hàng nghìn dặm từ vùng biển Bắc Cực lạnh lẽo và giàu sinh vật phù du đến vùng biển nhiệt đới ít thức ăn ở Mexico để sinh con.
Chuyến đi này khiến chúng xa khỏi nguồn thực phẩm, nhưng lại tránh được nhũng con cá kình nguy hiểm thường săn cá voi con. Vùng biển an toàn này cũng giúp cá voi con yên tâm tiêu thụ nguồn sữa bổ dưỡng chứa tới 53% chất béo từ mẹ chúng nhằm hình thành một lớp mỡ dày trước khi quay về Bắc Cực.
Giống như gấu trắng, cá voi mẹ sẽ phải nhịn đói trong nhiều tháng, trong khi vẫn phải cung cấp đầy đủ nguồn sữa cho cá con, do đó chúng thường giảm tới 8 tấn khối lượng cơ thể trong thời gian này.

Nhện

Bảy cách làm mẹ vô cùng kỳ quặc của động vật
Ảnh: Live Science
Với nhiều loài nhện, việc kết đôi và giao phối cũng đồng nghĩa với việc cuộc đời chúng sắp kết thúc.
Ở loài nhện Stegodyphus, tình yêu của nhện mẹ không chỉ là thường xuyên canh chừng tổ của chúng. Nhện cái sẽ đẻ trứng lên mạng nhện và canh chừng cho tới khi trứng nở.
Khi nhện con chui ra, nhện mẹ sẽ ăn rất nhiều thứ và sau đó sinh ra một dạng chất lỏng giàu dinh dưỡng cho lũ nhện con.
Khoảng một tháng sau, khi nhện con lớn, nhện mẹ sẽ để chúng bò lên người mình, dùng chất độc của chúng giết chết mẹ. Sau đó, lũ nhện con sẽ ăn thịt nhện mẹ. Rồi lũ nhện con sẽ quay ra ăn thịt lẫn nhau. Chỉ còn một số con khỏe nhất sống sót và khi đó chúng mới rời mạng nhện, bắt đầu cuộc sống riêng.

Rận biển

Để giao phối và sinh con, những con rận biển cái phải trải qua nhiều sự đau đớn. Chúng sẽ phải giao phối với những con rận biển đực có khả năng giao phối với 25 con cái cùng một lúc.
Điều tồi tệ nhất là khi rận biển cái sẵn sàng sinh nở, những con rận biển con sẽ gặm nhấm từ bên trong cơ thể mẹ chúng để mở đường chui ra thế giới bên ngoài.

Ếch độc

Bảy cách làm mẹ vô cùng kỳ quặc của động vật
Ảnh: Live Science
Ếch độc là một trong số những loài rất nghiêm túc với việc làm mẹ. Mỗi lần chúng chỉ đẻ năm quả trứng, và ếch mẹ sẽ trông chừng cho tới khi trứng nở thành nòng nọc.
Sau đó, ếch mẹ sẽ cõng từng con nòng nọc lên một cái cây cao khoảng 100 feet (khoảng 30m), và tìm cho mỗi con nòng nọc một khoảng nước đọng trên lá cây, tạo cho chúng một môi trường sống an toàn và độc lập nhất.
Êch mẹ con nuôi lũ nòng nọc bằng cách cho chúng ăn những quả trứng nó đẻ ra nhưng không nở được, trong khoảng thời gian từ 6-8 tuần. Những con nòng nọc bằng cách này sẽ trưởng thành mà không phải ăn thịt lẫn nhau.

Sóng điện từ làm mất khả năng định hướng của chim di cư

Theo nghiên cứu công bố ngày 7/5 của các nhà khoa học thuộc Đại học Oldenburg (Đức), sóng điện từ có khả năng làm mất khả năng định hướng của loài chim két Bắc Mỹ khi di cư, khiến chúng không xác định được phương hướng bay.
Phát hiện này có thể dẫn tới cuộc tranh luận về tính an toàn của các thiết bị điện tử.
Hiện vẫn chưa xác định được vị trí "chiếc la bàn" từ tính của các loài chim két Bắc Mỹ và cách thức hoạt động của "chiếc la bàn" này. Tuy nhiên, cách đây bảy năm, sau khi phát hiện một đàn chim két châu Âu (tên khoa học là Erithacus rubecula) chao đảo và sà xuống khuôn viên Đại học Oldenburg, nhóm các nhà khoa học trên đã tiến hành nghiên cứu đối với loài chim này và rút ra kết luận đường dây cáp ngầm làm triệt tiêu sóng điện từ trong vòng từ 50 kilohertz đến 20 Megahertz.

Sóng điện từ làm rối loạn "la bàn" từ tính của loài chim két Bắc Mỹ. (Ảnh: news.sciencemag.org)
Những chú chim di cư còn sống sót lại tiếp tục thích nghi với cuộc sống mới nhờ vào việc bay tới các khu vực khác. Tuy nhiên, lại một lần nữa tiếng ồn điện từ khiến chúng không thể xác định được phương hướng bay trong vòng 5km tính từ một đường dây truyền trải điện 50 kilowatt bất kỳ.
Dù chưa xác định rõ việc có hay không các đường dây truyền trải điện chứa từ tính do con người lắp đặt gây ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái, trong đó bao gồm cả vấn đề sức khỏe của con người, song dựa vào nghiên cứu trên, có thể nhận thấy các đường dây truyền tải điện này không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sức khỏe con người do Ủy ban quốc tế Phòng chống bức xạ không Ion hóa (ICNIRP) đưa ra.
Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu, chính con người mới là nhân tố phá vỡ cân bằng hệ sinh thái, tạo ra các cơn bão từ nguy hiểm có thể gây ô nhiễm tiếng ồn sóng vô tuyến điện và làm ảnh hưởng tới cuộc tìm kiến nơi trú ẩn của các loài chim.
Trước những tranh luận chưa ngã ngũ về tác động tiêu cực của các thiết bị điện đối với hệ sinh thái nói chung và với các loài chim nói riêng, nhóm nhà khoa học trên kiến nghị cấm sử dụng điện thoại di động cũng như dần hạn chế các thiết bị phát ra quang phổ năng lượng nhằm bảo vệ các loài chim và giúp chúng tìm đến được nơi di cư.